foter

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Nam Phương hoàng hậu cung: bí ẩn trong đường hầm bí mật

Sau đám dã quỳ lộ ra một cửa hầm xây bằng đá chẻ rất kiên cố, được kẻ chỉ đẹp mắt. Cửa hầm có bề ngang trên 2 m, chiều cao 2,5 m, đỉnh được thiết kế hình vòm, dẫn sâu vào cung hoàng hậu của vua Bảo Đại.

Nhiều người dân sống ở đường Yên Thế (Đà Lạt, Lâm Đồng) khẳng định, quanh ngọn đồi khu dân cư Yên Thế, nơi tọa lạc cung Nam Phương (nay là Bảo tàng Lâm Đồng) có ít nhất 3 lối dẫn vào hệ thống đường hầm bí mật. Đường hầm giờ bị hoang phế vì không được bảo vệ. Cơ quan chức năng cũng không khẳng định có một hệ thống hầm ở Đà Lạt.
Cụ Khoái, 82 tuổi ở đường Yên Thế cho biết, thời trai trẻ đã 3 lần khám phá đường hầm này, đi vào một số ngõ ngách và thông từ cửa hầm này sang cửa hầm khác. Tuy nhiên, hiện nay 2 cửa hầm đã bị người dân xây nhà lên và chắn bít, chỉ còn một cửa hầm tại lô đất số 5 Bis Yên Thế. Trẻ con trong phố thỉnh thoảng vẫn vào bắt dơi trong đường hầm.
Không biết về nguồn gốc, lai lịch đường hầm, song Phan Thế Tài (lớp 10 THPT Bán công Chi Lăng - Đà Lạt) rất rành các ngõ ngách của nó. Tài cho biết từ nhỏ đến nay đã hàng chục lần chui vào đường hầm chơi và bắt dơi. Đi vài ba người thì bình thường nhưng khi cả nhóm đông vào sâu bên trong có cảm giác hơi khó thở.
Tài dẫn khách đi vào đường hầm. Vừa chui qua đám dã quỳ thì lộ ra cửa hầm xây bằng đá chẻ rất kiên cố, được kẻ chỉ khá đẹp mắt. Cửa hầm bề ngang trên 2 m, chiều cao 2,5 m, đỉnh được thiết kế hình vòm.
Cửa vào đường hầm cung Nam Phương Hoàng Hậu. Ảnh: Quốc Dũng.
Cửa vào đường hầm cung Nam Phương Hoàng Hậu. Ảnh: Quốc Dũng.
Từ cửa đi vào 5 m rêu xanh bám đầy hai bên vách đường hầm. Ở đoạn ngoài cùng này còn có ánh sáng mặt trời hắt vào, sâu vào trong một tảng đá lớn che kín gần hết đường hầm nên người đi có cảm giác hơi rờn rợn. Tài phải bật đèn pin, khom người chui qua khỏi tảng đá. Cậu bé nghịch ngợm tắt đèn, mọi vật xung quanh đột ngột đen đặc, người đứng cách nhau 2 m hoàn toàn không thấy nhau.
Đi trong đường hầm, thỉnh thoảng vài con dơi bay sạt qua tóc. Nơi đây chỉ có dơi sinh sống, ngoài ra không phát hiện một loại sinh vật hay côn trùng nào. Đường hầm gây ấn tượng ban đầu là những khối đá liên kết khổng lồ và đất pha cát có từng vân thớ màu trắng ngà. Loại đất pha cát này rất mềm, có thể dùng tay gỡ và bóp vụn. Đất trong hầm ẩm ướt nhưng hoàn toàn không có nước rịn ra từ các khe, thỉnh thoảng xuất hiện một vài cục đá tổ ong tròn tựa quả bóng.
Những đoạn hầm ở đây được thiết kế gần như thẳng tắp, các ngã rẽ vuông góc như bàn cờ. Vài chục mét đầu đường hầm thì nền bằng phẳng như nhà ở, vào sâu bên trong bắt đầu gồ ghề do những tảng đất trên đỉnh hầm lâu ngày đã bị lở. Có đôi chỗ phải hơi khom người mới đi được vì đất sập nhiều xuống nền hầm.
Vào sâu bên trong hầm khoảng 30 m, có một ngã rẽ bên trái. Nếu so sánh với vị trí trên mặt đất thì ngã rẽ dưới hầm ngang với cung Nam Phương Hoàng hậu và chỉ cách cung chưa tới 100 m. Tiếp cận ngã rẽ này được hơn 20 m thì đường hầm bị tắc do đất lở chắn ngang.
Quay trở ra tiếp tục đi sâu vào thêm 30 m nữa thì xuất hiện thêm một ngã rẽ vuông góc bên phải nhưng nơi này cũng bị đất lở che kín. Tính từ đầu ngã rẽ nhánh này chạy về hướng đầu đường Yên Thế (ngã ba Trại Hầm) rất gần với Dinh I. Dinh thự này trước đây là nơi ở, làm việc của vua Bảo Đại và tổng thống Ngô Đình Diệm.
Tính từ miệng đường hầm ở số 5 Bis Yên Thế đi vào sâu được khoảng 140 m thì đường tắc do lở đất không thể đi tới trước được nữa. Rất có thể đây là đường hầm dẫn ra một số biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo và lên Dinh II (Dinh toàn quyền Đông Dương trước đây).
Những người dân ở đường Yên Thế cho rằng, nếu thực sự cơ quan chức năng muốn làm cuộc khảo sát thì việc thông đường hầm là rất đơn giản. Vì những chỗ đường hầm bị đất lở chỉ xảy ra cục bộ và từng đoạn ngắn, có thể khơi thông bằng bằng cuốc xẻng. Trước đây có những chỗ lở nhưng chưa che kín miệng hầm, nhiều người vẫn liều chui qua và thấy đường hầm tiếp tục thông thương. Tuy nhiên họ không dám vào sâu vì sợ thiếu dưỡng khí.
Đại diện Ban giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, hiện chưa tổ chức cuộc khảo sát nào vào đường hầm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét